Livestream Chính Thức Được Công Nhận Là Một Nghề Ở Trung Quốc

5/5 - (100 bình chọn)

Mới đây, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã chính thức công nhận livestream là một nghề bên cạnh 18 cái tên khác. Động thái này của chính quyền đất nước hơn 1,4 tỷ dân có tốc độ phát triển kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho những người livestream, không chỉ tại đất nước này mà còn là trên toàn thế giới.

Hôm nay, hãy cùng FASTTECH 247 đi tìm hiểu về ngọn nguồn cho quyết định đáng chú ý này và việc nó sẽ ảnh hưởng ra sao đến lĩnh vực livestream nhé.

Quyết định gây chú ý của chính phủ Trung Quốc

Theo Bộ Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, việc công bố các nghề nghiệp mới có ý nghĩa to lớn đối với phát triển việc làm, hướng dẫn giáo dục và đào tạo ngành nghề, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn của người lao động và thúc đẩy việc làm, tinh thần kinh doanh.

Lý Giai Kỳ - ông hoàng livestream một thời với phiên live trị giá 2 tỷ USD
Lý Giai Kỳ – ông hoàng livestream một thời với phiên live trị giá 2 tỷ USD

Sở dĩ có quyết định này là bởi, kinh tế Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào lĩnh vực công nghệ số và sản xuất thông minh. Năm nay, có 19 nghề nghiệp mới xuất hiện. Bên cạnh livestream, còn có chuyên gia ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ sư lập kế hoạch và vận hành cho các sản phẩm văn hóa, quản trị viên hệ thống sản xuất thông minh và kỹ thuật viên kỹ thuật sinh học.

Ngày 24-5 vừa qua, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã công bố danh sách 19 ngành nghề dự kiến chính thức công nhận. Sau khi mở lấy ý kiến của công chúng, danh sách này sẽ được xem xét, sửa đổi, bổ sung trước khi được công nhận chính thức. Tuy nhiên, dự kiến việc sửa đổi phải mất từ 3 đến 5 năm mới hoàn thành.

Theo channelnewsasia.com, Trung Quốc đã liên tục sửa đổi các công việc trong danh sách ngành nghề chính thức của mình trong thập kỷ qua. Tài liệu này đã trải qua hai lần sửa đổi lớn kể từ khi xuất bản vào năm 1999. Phiên bản mới nhất vào năm 2022 có 1.636 ngành nghề, ít hơn khoảng 400 ngành nghề so với phiên bản đầu tiên. Ngoài ra, một tài liệu hỗ trợ nêu chi tiết các kỹ năng và đặc thù nghề nghiệp đã được cập nhật 3 lần kể từ khi xuất bản vào năm 2012.

Khi công bố kế hoạch bổ sung danh sách ngành nghề mới nhất vào tháng trước, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc tuyên bố, việc công nhận các nghề mới có thể nâng cao hơn nữa ý thức nghề nghiệp của những người hành nghề, cho phép họ được hưởng lợi từ các chính sách quốc gia có liên quan, đồng thời tăng cường việc làm.

Việc có một nghề được công nhận chính thức sẽ mang lại một số đặc quyền cho cả những người đang làm công việc đó cũng như những người muốn tham gia vào lĩnh vực này như trợ cấp đào tạo nghề và đánh giá kỹ năng.

Xem thêm: Tiktoker Livestream Bán Hàng Trốn Thuế: “Cảnh Báo Đỏ” Từ Cơ Quan Thuế

Giáo sư Liu Erduo, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc (CIER) cho rằng, danh sách ngành nghề sẽ cung cấp thông tin cho mọi người khi tìm kiếm công việc mới, vì họ có thể tham khảo những nghề nghiệp nào đã được thêm, cập nhật hoặc thậm chí bị xóa. 

Hơn nữa, theo Giáo sư Liu, khi một nghề mới được công nhận, chính quyền sẽ giám sát việc thu thuế chặt chẽ hơn. Ông lưu ý, từ góc độ rộng hơn, điều này thậm chí có thể làm giảm số lượng người thất nghiệp. “Trước đây, những người này có thể tuyên bố là thất nghiệp, nhưng khi nghề nghiệp của họ được công nhận chính thức thì họ không thể làm được nữa; họ đã ra khỏi vùng xám”.

Ngành livestream bán hàng tại Trung Quốc phát triển “phi mã”

Theo báo cáo của Hiệp hội Dịch vụ Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc thuộc Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, đến cuối năm 2023, khoảng 15 triệu người làm trong lĩnh vực phát trực tiếp (livestream). Nghiên cứu tháng 2 của Đại học Nhân dân Trung Quốc chỉ ra các cựu chiến binh, công nhân nhập cư và sinh viên đang vật lộn tìm việc làm cảm thấy hứng thú với nghề nghiệp này.

Rất nhiều người dân Trung Quốc dấn thân vào lĩnh vực này
Rất nhiều người dân Trung Quốc dấn thân vào lĩnh vực này

Nhóm tác giả nghiên cứu phát hiện, thương mại điện tử livestream – bán sản phẩm trực tuyến thông qua phát sóng trực tiếp – tác động đáng kể đến thị trường việc làm: cứ mỗi lần tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng 100 triệu NDT, 1.100 việc làm mới được tạo ra.

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đối với nhóm tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên, đã giảm xuống 13,2% trong tháng 6 từ mức 14,2% của tháng 5, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 25-29, cũng không bao gồm sinh viên, là 6,4% trong tháng 6, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Tỷ lệ này đối với nhóm tuổi 30-59 vẫn không thay đổi so với tháng 5, ở mức 4%.

Hàng triệu thanh niên Trung Quốc mong muốn tạo ra những câu chuyện thành công khi bán hàng trực tiếp trên các nền tảng Tmall, Taobao, Douyin. Rào cản gia nhập ngành rất thấp, chỉ cần nhấc điện thoại lên và kết nối Internet là xong. Tuy nhiên, để trở nên nổi bật lại không hề dễ vì thị trường đặc biệt cạnh tranh.

Khảo sát hơn 10.000 người trẻ tuổi trên mạng xã hội Weibo tháng 6 cho thấy hơn 60% nói mong muốn làm việc như người dẫn livestream hoặc người có ảnh hưởng trên Internet. Đón đầu xu hướng, nhiều công ty mọc lên để đào tạo những người dẫn chương trình trẻ tuổi, kết nối với các thương hiệu phù hợp. Chẳng hạn, công ty đào tạo Romomo tại Thượng Hải đang tuyển 150 người dẫn toàn thời gian.

Theo Phó Chủ tịch Romomo Shining Li, ngày nay, livestream là một trong những phương thức truyền thông quan trọng nhất của các thương hiệu quốc tế. Nó không chỉ giúp gia tăng doanh số mà còn giúp thương hiệu quảng bá giá trị và sản phẩm một cách hiệu quả.

Thực tế, cách tiếp cận đối với livestream ở Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng. Từ mục tiêu ban đầu là kích cầu thông qua giảm giá sâu, tạo ra sự gắn bó lâu dài giữa khách hàng với thương hiệu đã trở thành mục tiêu của nhiều hãng.

Theo hãng nghiên cứu iResearch, ngành công nghiệp livestream Trung Quốc đã đạt được doanh thu 480 tỷ USD năm 2023.

Phản ứng của công chúng

Cô Qian, người phát trực tiếp tại Thâm Quyến, tin rằng động thái công nhận livestream là một nghề có thể cải thiện chất lượng chung của những người dẫn chương trình phát trực tiếp vì họ sẽ phải tuân theo các quy định và yêu cầu chặt chẽ hơn. Cô chia sẻ rằng: “Một số người dẫn phát trực tiếp sẽ bị loại bỏ bởi vì Internet đã là một bộ lọc riêng”.

Quyết định này giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với lĩnh vực livestream
Quyết định này giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với lĩnh vực livestream

Cô Chen, 30 tuổi đang là người dẫn chương trình phát trực tiếp khác, cũng bày tỏ quan điểm tương tự: “Ngành công nghiệp này sẽ được hợp pháp hóa hơn khi những nội dung định hướng giá trị tiêu cực, chẳng hạn khoe khoang sự giàu có, sẽ bị cơ quan chức năng xoá bỏ”.

Anh Lu Haoran, 29 tuổi, là một người quay phim tự do ở Trung Quốc thì chỉ ra rằng những người phát trực tiếp cũng có thể hưởng lợi về mặt tài chính khi ngành này chính thức được công nhận. Theo anh Lu, điều này sẽ giúp những người livestream thu hút các nhà quảng cáo, đặc biệt là những nhà quảng cáo có liên quan đến chính phủ.

Tuy nhiên, anh cũng cho rằng mô tả công việc livestream ở Trung Quốc còn quá hạn chế. “Chúng tôi thường sử dụng ‘livestreamer’ để mô tả những người bán hàng thông qua phát trực tiếp. Song thuật ngữ này không bao gồm các công việc như blogger du lịch hoặc ẩm thực”, anh nói.

Anh Lu thường đăng tải các đoạn phim về du lịch trên Douyin và Xiaohongshu vào thời gian rảnh rỗi. Tài khoản của anh có hơn 700.000 người theo dõi. Mặc dù vậy, Lu cho biết anh sẽ không cân nhắc làm công việc này toàn thời gian khi trở thành người có sức ảnh hưởng, ngay cả khi nghề này chính thức được công nhận với nhiều lợi ích tiềm năng đi kèm, bởi anh chỉ coi đây là đam mê cá nhân.

Những người có sức ảnh hưởng hiện không nằm trong danh sách các nghề được công nhận chính thức ở Trung Quốc. Nghề này cũng không nằm trong danh sách đề xuất mới nhất.

Ngoài ra, thu nhập cũng là một yếu tố quan trọng bởi thu nhập đến từ nghề này không quá ổn định. Anh Lu cũng chia sẻ rằng công việc hiện tại của anh kiếm được tới 500.000 nhân dân tệ/mỗi năm. Trong khi đó, thu nhập từ việc hợp tác với các nhà quảng cáo trên mạng xã hội của anh chỉ ở khoảng 7.000 – 10.000 nhân dân tệ/tháng.

Ngành livestream tại Việt Nam

Năm 2023, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream. Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Hình thức bán hàng livestream được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác với khách hàng. Người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng, cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm.

Livestream tại Việt Nam phát triển vô cùng mạnh mẽ
Livestream tại Việt Nam phát triển vô cùng mạnh mẽ

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, bà Lê Minh Trang, bộ phận nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ cho biết, qua khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, 64% người xem livestream được thúc đẩy mua hàng ngẫu hứng nhiều hơn bình thường, 78% khách hàng biết đến sản phẩm khi xem các buổi livestream bán hàng.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Theo báo cáo Những xu hướng mới của người tiêu dùng Việt, do Cốc Cốc phát hành, có 77% người từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream. 67% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 – 1996) và 51% thuộc thế hệ Gen Z (1997 – 2012) cho biết, đã từng xem và mua hàng qua livestream. Đây cũng là lực lượng chính của xu hướng mua sắm này.

Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa. Các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn đã nhận thấy tiềm năng, vai trò to lớn của kênh bán hàng này.

Về các quy định pháp lý về livestream, bởi đây là một lĩnh vực mới và phát triển bùng nổ từ thời đại dịch COVID 19, nên tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều văn bản chính thức về livestream. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn được Đảng và Nhà nước ta tương đối quan tâm khi đã nhiều lần thảo luận trong các cuộc họp Quốc hội và trong các phát biểu chính thức.

Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã đề xuất, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).

Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử) thì thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Bên cạnh đó, các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Một số quy định pháp luật có liên quan đến livestream
Một số quy định pháp luật có liên quan đến livestream

Trước đó, Điều 26 Luật An ninh mạng đã có quy định các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số và cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách Bộ Công an để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.

Xem thêm: Những Quy Định Mới Nhất Về Thuế Livestream Bạn Cần Biết

Bên cạnh đó, vấn đề về thuế đối với những cá nhân và tổ chức livestream cũng rất được quan tâm. Trong văn bản mới nhất mà Tổng cục thuế gửi các cục thuế địa phương, ngành thuế sẽ giám sát tổ chức, cá nhân nhận hoa hồng từ livestream bán hàng, trường hợp hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế sẽ bị chuyển sang công an xử lý. Theo đó, cơ quan thuế sẽ lập danh sách tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm sau quá trình thanh, kiểm tra sau đó chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý, trong trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế.

Kết luận

Vậy là nước bạn Trung Quốc đã có bước tiến lớn trên con đường quản lý lĩnh vực livestream bằng cách đưa livestream thành một ngành nghề chính thức nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nghề phát sóng trực tiếp tại đất nước này, mà còn là bước đệm để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam có ví dụ để học tập và rút kinh nghiệm.

Liên hệ FASTTECH 247:

  • Đường dây nóng: 08.666.02302
  • FanPage: FASTTECH 24/07
  • Tiktok: FASTTECH 24/07

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục
.
.
.
.