Những năm gần đây, nghề streamer đang ngày càng trở nên phổ biến và có sức ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam. Công việc này thu hút sự chú ý của người trẻ bởi nó đang mở ra những cơ hội “hái ra tiền” cho những ai đam mê và có tiềm năng. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, chiến lược thông minh và nỗ lực không ngừng.
Streamer là gì?
Stream, hay còn được gọi là Streaming là một hình thức phát trực tiếp nội dung đến với những người xem khác thông qua kết nối Internet. Hoạt động này vô cùng đa dạng, bao gồm việc bạn nghe album mới nhất của Taylor Swift trên Spotify, cho đến việc xem video nấu ăn trên Facebook hay xem một bộ phim truyền hình dài tập trên Netflix…
Như vậy, Streamer là người trực tiếp cung cấp dịch vụ phát trực tiếp đó đến người xem thông qua các nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube, Twitch và nhiều hơn nữa. Họ thực hiện một hành động, quay lại và phát sóng nó trực tiếp trên Internet để người dùng có thể thưởng thức ngay và tham gia tương tác cùng với họ.
Streamer có thể làm nhiều loại nội dung khác nhau, bao gồm chơi game, thể hiện tài năng âm nhạc, trình diễn văn nghệ, chia sẻ kiến thức chuyên môn hoặc kể chuyện. Họ sử dụng các công cụ như máy tính, webcam, microphone và phần mềm streaming để truyền tải nội dung trực tiếp và tương tác với khán giả qua chat hoặc các hình thức giao tiếp khác. Nghề streamer không chỉ cho phép người làm thể hiện sự sáng tạo và tài năng của mình mà còn có thể kiếm tiền từ quảng cáo, tài trợ, tặng quà từ khán giả hoặc hợp đồng độc quyền với các nền tảng trực tuyến.
Những nguồn thu nhập từ công việc của streamer
Hơn một thập kỷ du nhập vào Việt Nam, nghề Streamer bứt phá mạnh mẽ vào giai đoạn 2017-2018, trở thành một trào lưu thu hút đông đảo giới trẻ. Không chỉ đơn thuần giải trí, Streamer còn được xem như một nghề “hái ra tiền” với mức thu nhập “khủng” và độ nổi tiếng mà nhiều influencers mơ ước.
Nhận tiền donate hoặc tips từ fan
Hầu hết các trang web và nền tảng phát trực tiếp đều tạo điều kiện cho Streamer kiếm thu nhập từ chính hoạt động livestream của mình. Hình thức phổ biến nhất chính là donate, nơi người xem tự nguyện ủng hộ một khoản tiền bất kỳ cho Streamer họ yêu thích.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở donate, nhiều nền tảng còn cung cấp các công cụ và dịch vụ tích hợp để streamer đa dạng hóa nguồn thu nhập như “hàng hóa ảo” (virtual goods) khi người xem có thể mua các vật phẩm ảo trong khi xem livestream, phần lớn số tiền này sẽ được chia sẻ cho Streamer. Hay “tiền” (currency) của riêng nền tảng, nơi mà người xem nạp tiền vào tài khoản trên nền tảng, sau đó sử dụng số tiền này để donate hoặc mua hàng hóa ảo cho Streamer.
Dưới đây là bảng phân tích về những dịch vụ donate mà các nền tảng hay sử dụng:
- Dịch vụ tips chính của YouTube là Super Chat. Người xem có thể sử dụng các mẹo để ghim tin nhắn của người xem trong cửa sổ trò chuyện của kênh để dễ nhìn thấy hơn. YouTube cũng cho phép người dùng mua bộ “hoạt ảnh trò chuyện – art animation” có tên là Super Stickers, và bạn sẽ được giảm giá mỗi lần mua.
- Twitch cho phép người xem “cổ vũ” các Streamer bằng cách sử dụng Bits – một công cụ ảo của nền tảng. Nếu bạn là chi nhánh hoặc đối tác của Twitch, bạn sẽ nhận được khoảng 0,01 USD cho mỗi Bit người xem bỏ ra khi cổ vũ. Người xem có thể viết một tin nhắn kèm một biểu tượng cảm xúc đặc biệt, còn gọi là Cheemote.
- Dịch vụ kiếm tiền của Facebook xoay quanh việc người xem có thể tặng Sao (Stars) cho các Streamer. Người dùng sẽ mua sao và tặng cho các Streamer, theo đó, mỗi sao nhận được, Streamer sẽ nhận được khoản tiền là 0,01 USD. Bạn cần phải tham gia chương trình Nâng cấp của Facebook để bật chế độ Sao.
Nếu bạn là người thích và hay xem stream thì có thể để ý thấy rằng, mỗi khi nhận được tiền donate, các Streamer sẽ thường xuyên gửi lời cảm ơn + đọc tên người donate. Đó như là một cách thể hiện sự cảm ơn sâu sắc từ các Streamer. Với những khoản donate khủng, một số Streamer còn cắt hẳn một clip riêng đăng lên Youtube để cảm ơn và cũng là đánh dấu dấu mốc quan trọng, tạo động lực cho họ làm nghề tốt hơn.
Kiếm tiền từ những người xem đăng ký kênh
Hầu hết các nền tảng phát trực tiếp phổ biến như Youtube, Twitch, Facebook,… đều cho phép Streamer/Youtuber kiếm tiền thông qua hình thức thu phí đăng ký kênh. Bên cạnh gói đăng ký miễn phí, các nền tảng này thường xây dựng các chương trình dành cho thành viên – nơi người dùng được hưởng những quyền lợi đặc biệt từ Streamer mà họ yêu thích.
Có rất nhiều lợi ích của việc trở thành thành viên của kênh như người xem có thể xem các video, livestream độc quyền, chỉ dành riêng cho thành viên, bao gồm video “hậu trường”,… Thành viên cũng có thể tương tác trực tiếp với Streamer thông qua các tính năng chat, bình luận dành riêng cho thành viên. Hay thậm chí là nhận được các ưu đãi như giảm giá sản phẩm, quà tặng,… do Streamer cung cấp.
Tuy nhiên, để có thể bật kênh kiếm tiền này, các kênh của Streamer cũng phải đạt được những yêu cầu nhất định, vì các nền tảng vẫn luôn muốn đảm bảo quyền lợi xác đáng cho người xem chung của họ.
Doanh thu từ quảng cáo
Quảng cáo là một trong những kênh kiếm tiền phổ biến và hiệu quả cho Streamer trên các nền tảng phát trực tiếp như Youtube, Twitch, Facebook Gaming,…
Cách thức hoạt động của quảng cáo là chúng sẽ được hiển thị dưới dạng banner, video quảng cáo ngắn hoặc chèn vào giữa buổi livestream. Streamer sẽ được trả tiền dựa trên số lượng người xem quảng cáo, số lượng người xem nhấp chuột vào quảng cáo và cuối cùng là số lượng người xem thực hiện hành động mong muốn (như mua hàng, đăng ký tài khoản,…).
Về ưu điểm của hình thức này thì hầu hết các nền tảng phát trực tiếp đều có chương trình quảng cáo dành cho Streamer. Doanh thu từ quảng cáo có thể rất cao, đặc biệt là với các Streamer có lượng người xem lớn. Và điều quan trọng là Streamer có thể kiếm tiền từ quảng cáo ngay cả khi họ không online.
Nhưng quảng cáo cũng có nhược điểm của mình như việc nó xuất hiện nhiều có thể gây khó chịu và khiến người xem mất tập trung, ảnh hưởng đến trải nghiệm xem stream của khách. Hơn thế nữa, doanh thu từ quảng cáo có thể thay đổi tùy theo số lượng người xem, lượt nhấp chuột và tỷ lệ chuyển đổi. Và muốn có thể quảng cáo, streamer cần đáp ứng một số điều kiện nhất định để tham gia chương trình quảng cáo, ví dụ như có lượng người xem tối thiểu.
Bán hàng qua liên kết
Affiliate Marketing – thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực marketing online, giờ đây cũng trở thành một kênh kiếm tiền hiệu quả cho các Streamer.
Hiểu đơn giản, Affiliate Marketing là hình thức hợp tác giữa Streamer và các nhà bán hàng trực tuyến. Streamer sẽ giới thiệu sản phẩm của nhà bán hàng cho người xem livestream, thông qua mã code hoặc phiếu giảm giá độc quyền. Khi người xem sử dụng mã code hoặc phiếu giảm giá đó để mua hàng, Streamer sẽ nhận được hoa hồng từ nhà bán hàng.
Xem thêm: Làm quen với Affiliate Marketing: 7 bước cơ bản cần nắm rõ
Ví dụ như Streamer có thể hợp tác với Shopee để quảng bá sản phẩm. Thay vì đăng link mua hàng trực tiếp, Streamer sẽ cung cấp mã code giảm giá độc quyền cho người xem. Khi người xem sử dụng mã code này để mua hàng trên Shopee, Streamer sẽ nhận được hoa hồng từ Shopee.
Tuy nhiên, có một điều quan trọng bạn cần lưu ý đó chính là cách mà bạn đưa liên kết mua hàng hoặc mã code giảm giá ấy vào video stream của mình như thế nào. Nên nhớ là trừ khi có thỏa thuận với các chương trình đối tác, nếu không các nền tảng (như Youtube, Facebook,…) sẽ không nhận được một xu lợi nhuận nào từ hoạt động quảng cáo này, và nền tảng rất dễ quét bay livestream của bạn đấy!
Nhận tài trợ
Ít gây tranh cãi hơn các quảng cáo thông thường, nhận tài trợ hoặc giao dịch với các thương hiệu là một cách khác để bạn có thể kiếm tiền theo một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Với các Streamer sở hữu một lượng lớn người theo dõi trên các nền tảng phát trực tuyến và có một tên tuổi nhất định, các thương hiệu sẽ sớm liên hệ và đề nghị hợp tác, thay vì chủ động tiếp cận.
So với các cách kiếm tiền trên thì cách này sẽ diễn ra nghiêm túc và đòi hỏi sự đầu tư tỉ mỉ hơn rất nhiều do giá trị hợp đồng mà các nhãn hàng này đem lại cũng không hề nhỏ một chút nào.
Có một số cách mà các Streamer có thể kiếm tiền như nhận tài trợ của một thương hiệu. Khi đó, toàn bộ stream của bạn sẽ được tài trợ bởi một thương hiệu. Banner quảng cáo hoặc các loại quảng cáo khác sẽ được hiển thị trong stream hoặc trên hồ sơ channel của các nền tảng khác nhau. Một cách khác nữa là “Nội dung được tài trợ” như khi nhà phát triển game trả tiền cho các Streamer để chơi trò chơi của họ.
Trên thực tế, mục đích cuối cùng của các thương hiệu là khán giả của các Streamer chứ không phải Streamer. Nên các Streamer phải hiểu rõ được khán giả của mình là ai, sở thích của họ là gì và vấn đề nào họ đang gặp phải để nhận tài trợ của các nhãn hàng phù hợp. Chỉ cần không cẩn thận chút thôi là các Streamer có thể gây mích lòng người hâm mộ và mất đi một lượng lớn fans. Khi ấy, hợp đồng với các nhãn hàng cũng có nguy cơ bị hủy bỏ.
Tạo và xây dựng kênh bán hàng riêng
Có một “quy luật bất thành văn” trong giới Streamer với nhau là, khi thương hiệu cá nhân đã được xây dựng thành công, hàng hóa mang thương hiệu đó cũng sẽ “lên như diều gặp gió”.
Hàng hóa được xem là nguồn thu nhập quan trọng đối với không ít Streamer trên thế giới. Nhận thức được tiềm năng này, các nền tảng trực tuyến cũng đang hỗ trợ Streamer hết mình trong việc bán hàng hiệu quả. Họ cung cấp nhiều lời khuyên hữu ích và công cụ chuyên dụng giúp Streamer tăng doanh số bán hàng.
Những lựa chọn phổ biến mà các Streamer thường dùng như áo thun, cốc, đồ chơi sang trọng. Bên cạnh đó, các sản phẩm số như nhạc, sách điện tử… cũng có thể được bán online.
Cần chuẩn bị gì để trở thành streamer?
Đường truyền mạng ổn định
Đây là điều kiện cơ bản nhất mà bất kỳ livestream nào cũng phải chú trọng. Một buổi livestream hay bị gián đoạn bởi đường truyền không ổn định sẽ khiến người xem cảm thấy khó chịu và dễ thoát ra. Vì vậy, hãy sử dụng loại Internet cáp quang tốc độ cao và chất lượng nhé!
Nền tảng livestream
Tùy theo đối tượng mục tiêu mà bạn nên chọn các nền tảng phù hợp. Nền tảng livestream phổ biến và dễ truy cập nhất hiện nay là Facebook với lượng theo dõi có thể lên đến hàng trăm ngàn mỗi buổi livestream. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn Instagram, Bigo, Nimo TV,… Còn phần mềm hỗ trợ livestream thì bạn có thể lựa chọn OBS Studio hoặc Xsplit. Trong đó, có OBS Studio là phần mềm miễn phí, phù hợp với những người mới bắt đầu.
Xem thêm: 4 Phần Mềm Hỗ Trợ “Tuyệt Đỉnh” Giúp Livestream Dễ Hơn Bao Giờ Hết!
Thiết bị hỗ trợ stream
Để buổi livestream được diễn ra tốt nhất thì bạn cũng cần có những thiết bị điện tử chất lượng. Các thiết bị không thể thiếu trong buổi livestream là máy tính, webcam, bàn phím, chuột. Ngoài ra bạn cũng nên trang bị thêm cho mình một chiếc micro và ghế ngồi “xịn” để bảo vệ cột sống trong hàng giờ liền livestream nhé!
Tương tác thu hút người xem
Chuẩn bị xong các khâu phần cứng, đã đến lúc bản chuẩn bị cho phần xuất hiện trước người xem của mình. Hãy tập nói chuyện một cách thật thu hút, dễ gần giúp người xem thoải mái khi xem hơn.
Một buổi livestream có nhiều sự tương tác, không chỉ việc trả lời bình luận hay kêu gọi donate, mà một buổi livestream có sự tương tác là kêu gọi yêu thích, thả tim, đặt câu hỏi để trả lời. Điều này vừa giúp người xem cảm thấy thú vị, không bị nhàm chán vừa giúp bạn vui hơn vì không phải độc thoại mà có người tương tác với mình.
Tạo nét đặc trưng của riêng mình
Nghề streamer ngày càng phát triển ở Việt Nam, đi cùng là sự cạnh tranh gay gắt trong một thị trường giới hạn người xem mà có vô vàn streamer mới xuất hiện bên cạnh những cái tên kỳ cự. Bởi vậy, bạn cần tạo cho mình một nét đặc trưng riêng biệt để mọi người dễ ghi nhớ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là, hãy luôn là chính mình. Đừng vì quá chú trọng đến việc xây dựng hình tượng mà thể hiện một bản thân hoàn toàn khác, hoàn toàn thay đổi so với trước kia.
Kết luận
Thông qua bài viết này, FASTTECH 247 đã giới thiệu với bạn về nghề streamer, cách làm giàu từ cái nghề này, và một số điều cần lưu ý để “làm giàu không khó”. Hãy cố gắng hết sức theo đuổi đam mê bạn nhé! Chắc chắn bạn sẽ thành công!
Liên hệ FASTTECH 247:
- Đường dây nóng: 08.666.02302
- FanPage: FASTTECH 24/07
- Tiktok: FASTTECH 24/07