Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Thương dân dân lập Đền thờ”

5/5 - (100 bình chọn)

Sáng 25/07/2024, Lễ quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h00 ngày 25/7, được tổ chức đồng thời tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội và nhiều địa điểm khác trên toàn Việt Nam, cũng như toàn thế giới.

48 giờ nghẹn ngào của toàn thể người dân Việt Nam

Lễ treo cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đúng 6 giờ sáng 25/7, Lễ treo cờ rủ đã diễn ra trọng thể tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đánh dấu thời điểm diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 25-26/7.

Nghi lễ treo cờ rủ tại quảng trường Ba Đình
Nghi lễ treo cờ rủ tại quảng trường Ba Đình

Đội tiêu binh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mang theo lá cờ được gắn dải băng tang thực hiện nghi thức treo cờ.

Vào thời điểm diễn ra buổi lễ, thời tiết Hà Nội nhiều mây. Rất đông người dân trong đó có nhiều Đoàn viên thanh niên, đã có mặt ở Quảng trường Ba Đình từ sớm để chứng kiến Lễ treo cờ rủ. Khi lá cờ được kéo lên, nhiều người đã không kìm được nước mắt xúc động.

Tối 25/7, không có lễ hạ cờ như thường lệ mà lá cờ rủ sẽ được treo liên tục trong 2 ngày Quốc tang 25 và 26/7 để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong thời gian tổ chức Lễ Quốc tang, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

Lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Linh cữu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bảo quản tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7 và từ 7h00 đến 13h00 ngày 26/7. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, bởi số lượng người dân đến viếng Tổng bí thư rất đông, Lễ viếng tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông đã kéo dài đến 24 giờ. Tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Lễ viếng đã kéo dài đến 23 giờ thay vì 22 giờ như thông báo trước, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Gần 4 vạn người viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất
Gần 4 vạn người viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất

Ban Tổ chức Lễ Quốc tang cho biết, đã có hơn 5.600 Đoàn (với hơn 252.000 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội có 434 Đoàn (với 136.886 lượt người); tại Đông Anh với 1.588 Đoàn (với 56.600 lượt người); tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.585 Đoàn (với 58.532 lượt người).

Đã có 100 Đoàn khách quốc tế tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông và tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Sổ tang điện tử trên VNeID đã có hơn 483.000 lượt người truy cập viết lời chia buồn.

Biển người tiễn đưa Tổng bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng

Mặc cho thời tiết nắng nóng của ngày 26/07, từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường, đứng dọc hai bên các tuyến đường đoàn xe chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua để tiễn đưa nhà lãnh đạo đáng kính. Rất đông người dân đứng dọc hai bên đường, cầm di ảnh Tổng Bí thư để chờ được từ biệt khi đoàn xe tang đi qua 

Đông đảo người dân có mặt tại khu vực Nhà hát Lớn để chờ đợi đoàn xe chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua
Đông đảo người dân có mặt tại khu vực Nhà hát Lớn để chờ đợi đoàn xe chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua

Và một điều còn tự hào hơn thế nữa, chính là mỗi khi đoàn linh xa chở linh cữu Nhà lãnh đạo xuất sắc đi qua, người dân tại đoạn đường đó đều đồng loạt hát vang “Quốc ca” như lời chào từ biệt đẹp đẽ nhất, chan chứa tình cảm nhất gửi đến Người. 

Nghĩa tình trong Lễ quốc tang

Trong 2 ngày diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25/07 – 26/07/2024), lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh niên tình nguyện đã nhiệt tình hỗ trợ người dân đến viếng, bất chấp thời tiết không thuận lợi, lúc nắng như đổ lửa, lúc lại mưa như trút nước.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội chia sẻ: Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, rất nhiều các bạn đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã đăng ký tham dự phục vụ lễ Quốc tang. Có hơn 4.000 các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên đăng ký.

Căn cứ nguyện vọng đó, Thành đoàn Hà Nội đã cùng lực lượng chức năng xây dựng phương án để đưa các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia vào các hoạt động phục vụ Lễ Quốc tang. Tất cả những phương án này, chúng tôi đã gửi phối hợp hiệp đồng với Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các đơn vị đưa các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia phục vụ, hướng dẫn nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Thậm chí, trong 4.000 thanh niên tình nguyện, có những trường hợp đã ngất đi trong khi thực hiện nhiệm vụ giữa thời tiết nắng nóng trong một thời gian dài. Hay có cả trường hợp bạn sinh viên không may mắn khiếm khuyết một tay cũng xung phong tình nguyện, đứng giữa trời nóng quạt tay cho nhân dân đứng bên đường.

Lực lượng thanh niên tình nguyện giúp đỡ các cựu chiến binh tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lực lượng thanh niên tình nguyện giúp đỡ các cựu chiến binh tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ viếng Tổng bí thư tại quê nhà Lại Đà, người dân ở đây chẳng ai bảo ai, tất cả đều mở rộng cửa nhà đón đoàn khách viếng. Có người mang nước trong nhà ra pha trà mời nhân dân, có gia đình biến phòng khách thành nơi nghỉ tạm thời cho những người chờ tới lượt. 

Người thì cặm cụi cắt tấm bìa các-tông bản lớn thành những chiếc quạt cầm tay cỡ nhỏ rồi vội vã chen giữa dòng người dài cả trăm mét để phát. Có người lại tất tả rót nước, bưng ra cho mọi người. Những trạm “tiếp bánh, tiếp nước” được bố trí khắp các trục đường chính. Ngay cả những hộp khăn giấy nhỏ cũng được chuẩn bị chu đáo.

“Bà con về đây, dành tình cảm cho Tổng Bí thư khiến chúng tôi rất xúc động và biết ơn. Mọi người vất vả, không biết làm gì để hỗ trợ, đền đáp ngoài cốc nước, chiếc khăn”, chị Nguyễn Thị Trà, người dân làng Lại Đà chia sẻ.

Bên trong khu vực tang lễ, bà con Lại Đà vẫn đứng thành hàng dọc, đáp từ tình cảm của người dân cả nước tới Lại Đà thắp nén hương thơm tưởng nhớ người đã khuất.

Người dân Lại Đà phát những chiếc quạt được cắt từ tấm bìa các-tông cho mọi người.
Người dân Lại Đà phát những chiếc quạt được cắt từ tấm bìa các-tông cho mọi người.

Tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thái Tông, khi cả trăm nghìn người cùng đổ về nơi đây, kéo dài đến tận 24h đêm thì người dân các con phố xung quanh cũng hết lòng hỗ trợ những người đồng bào của mình. Rất nhiều người dân đã mang hết quạt điện trong nhà, thậm chí mở cửa bật điều hòa hết công suất để phần nào giúp dòng người đi viếng bớt cảm giác mệt mỏi. Hay có rất nhiều gia đình là chủ các hàng quán đã phát nước, bánh kẹo miễn phí, phát quạt làm từ bìa carton… để hỗ trợ đồng bào mình.

Tóm tắt cuộc đời hoạt động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xuất thân

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia công tác ngày 05 tháng 12 năm 1967; vào Đảng ngày 19 tháng 12 năm 1967.

Quá trình công tác

  • Tháng 12/1967: Đồng chí làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); ngày 19 tháng 12 năm 1967, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Tháng 8/1968 – Tháng 8/1973: Đồng chí là cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản; đi thực tế ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội); làm Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản.
  • Tháng 9/1973 – Tháng 4/1976: Đồng chí làm nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế – Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
  • Tháng 5/1976 – Tháng 8/1980: Đồng chí làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Chi bộ.
  • Tháng 9/1980 – Tháng 8/1981: Đồng chí học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
  • Tháng 9/1981 – Tháng 7/1983: Đồng chí là thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
  • Tháng 8/1983 – Tháng 8/1987: Đồng chí làm Phó Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
  • Tháng 9/1987 – Tháng 02/1989: Đồng chí làm Trưởng Ban Xây dựng Đảng; Phó Bí thư Đảng uỷ (từ tháng 7/1985 – tháng 12/1988), Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tạp chí Cộng sản (tháng 12/1988 – tháng 12/1991).
  • Tháng 3/1989 – Tháng 4/1990: Đồng chí làm Uỷ viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.
  • Tháng 5/1990 – Tháng 7/1991: Đồng chí làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng Sản
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng Sản
  • Tháng 8/1991 – Tháng 8/1996: Đồng chí làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
  • Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 01/1994), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
  • Tháng 8/1996 – Tháng 02/1998: Đồng chí làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.
  • Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
  • Tháng 02/1998 – Tháng 01/2000: Đồng chí phụ trách công tác Tư tưởng – Văn hoá và Khoa giáo của Đảng.
  • Tháng 3/1998 – Tháng 11/2006: Đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (tháng 11/2001 – tháng 8/2006).
  • Tháng 8/1999 – Tháng 4/2001: Đồng chí Tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Tháng 01/2000 – Tháng 6/2006: Đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội các khoá XII, XIII, XIV.
  • Tháng 5/2002 – đến nay: Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV.
  • Tháng 6/2006 – Tháng 7/2011: Đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
  • Tháng 01/2011 – đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá XI, XII, XIII, Bí thư Quân uỷ Trung ương.
  • Tháng 02/2013 – đến nay: Đồng chí làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
  • Tháng 8/2016 – đến nay: Đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025.
  • Tháng 10/2018 – 4/2021: Đồng chí làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
  • Tháng 4/2021 – đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Khen thưởng

Do có nhiều công lao to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế: 

  • “Huân chương Vàng quốc gia” của Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào
  • “Huân chương Hữu nghị” của Đảng và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
  • “Giải thưởng Lenin” – giải thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga
  • “Huân chương José Marti” của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Cu Ba 
  • Và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Liên hệ FASTTECH 247:

  • Đường dây nóng: 08.666.02302
  • FanPage: FASTTECH 24/07
  • Tiktok: FASTTECH 24/07

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục
.
.
.
.